Dũng cảm - Đó là khi bạn đối mặt với nỗi sợ của chính mình
Khi bắt đầu viết về dũng cảm tôi nhận ra trong phạm trù phát triển bản thân, đó còn là dũng khí từ bỏ những điều không còn phù hợp, những rào cản níu giữ bản thân tiến về phía trước.
Kỳ trước: Quan điểm và mối tương quan với trí tuệ

Dũng cảm là sức mạnh thuộc phạm trù Can đảm, một trong sáu đức tính phân loại thành 24 sức mạnh thuộc nghiên cứu của GS. TS. Seligman và Peterson như đã được giới thiệu tổng quan trước đây. Trở nên dũng cảm là đối mặt với những thách thức, mối đe doạ hay khó khăn của mỗi người tuỳ thuộc vào mục tiêu hoặc niềm tin và hành động dựa trên đó, trong đó yếu tố trọng tâm là sự đối mặt thay vì là trốn tránh nỗi sợ1.
“Tôi muốn nhưng…” có phải là câu nói quen thuộc của bạn?
Khi bắt đầu viết về dũng cảm tôi nhận ra trong phạm trù phát triển bản thân, đó còn là dũng khí từ bỏ những điều không còn phù hợp, những rào cản níu giữ bản thân tiến về phía trước - nó thể hiện rõ qua câu nói “tôi muốn nhưng tôi sợ là…” Và những điều e ngại hay lo sợ này được tạo nên từ niềm tin bảo thủ hay niềm tin hạn hẹp, vốn dĩ được hình thành một cách vô thức dựa trên kinh nghiệm sống và thường là những diễn giải sai về các sự kiện trong quá khứ. Bạn có thể tự kiểm tra điều này qua những câu sau:
Tôi luôn tìm kiếm những cơ hội thử thách kỹ năng và khả năng của tôi - Đồng ý / Không đồng ý
Dù làm việc gì tôi luôn thấy thời gian trôi quá nhanh - Đồng ý / Không đồng ý
Cuộc đời thật ngắn ngủi để trì hoãn những điều mình yêu thích, ước muốn - Đồng ý / Không đồng ý
Không ngừng học hỏi là cần thiết cho sự trưởng thành dù ở độ tuổi nào - Đồng ý / Không đồng ý
Nếu hầu hết câu trả lời là “không đồng ý” thì chúng ta cần đánh giá lại niềm tin đang hiện hữu, hay thậm chí khi bạn luôn có những đắn đo, chần chừ, trì hoãn trong phần lớn tình huống, đó cũng là dấu hiệu để xem xét lại niềm tin của mình.
Nỗi sợ không phải là kẻ thù, hãy trò chuyện cùng nỗi sợ
Trước tiên thừa nhận rằng nỗi sợ là một người bạn thẳng thắn đáng tin cậy của chúng ta. Những điều nỗi sợ chỉ ra là những điều cần làm tỏ rõ. Bài tập sau đây được thiết kế dùng để định dạng và loại bỏ những niềm tin không còn phù hợp, rào cản sự tiến bước của bạn.
Chọn cho mình một niềm tin đang hiện hữu ngay lúc này, trả lời các câu hỏi sau để tìm xem điều gì là thực sự và điều gì là không có thực trong nỗi sợ của mình:
Nỗi sợ này đang cảnh báo điều gì? (ví dụ, tôi sợ leo núi vì nó có thể nguy hiểm đến tính mạng của tôi)
Liệu rằng cảnh báo này mang một ý nghĩa nào đó đối với bạn, cụ thể là gì? (ví dụ, nỗi sợ này đang cảnh báo về an toàn cá nhân)
Khả năng xảy ra điều bạn lo sợ là bao nhiêu phần trăm? (ví dụ, khả năng có thể là 60% - 70%)
Cân nhắc giữa giải quyết nỗi sợ và từ bỏ ước muốn hay mục tiêu, bạn sẽ mất gì và được gì? (ví dụ, nếu tôi giải quyết được nỗi sợ tôi sẽ chinh phục được bản thân cả nghĩa bóng lẫn nghĩa đen, còn nếu tôi từ bỏ tôi sẽ không mất gì vẫn luôn bình an vô sự nhưng tôi không biết cảm giác khi chinh phục đỉnh núi nó sẽ như thế nào)
Mức độ quan trọng của việc theo đuổi mục tiêu trên thang điểm từ 1 (thấp nhất) đến 10 (cao nhất), bạn sẽ chấm bao nhiêu điểm? Lý do bạn đánh giá mức độ quan trọng theo số điểm đó? (ví dụ, mức độ quan trọng việc chinh phục mục tiêu leo núi là 7 điểm, vì nó sẽ giúp tôi nhìn sự việc ở một góc độ mới hơn)
Các giải pháp nào bạn có thể nghĩ đến để chuyển hoá nỗi sợ thành động lực? (ví dụ, rèn luyện thể lực, tham gia câu lạc bộ leo núi những người cùng sở thích, tham gia các hoạt động leo núi nhân tạo, tìm các tổ chức tổ chức hoạt động leo núi chuyên nghiệp)
Các giải pháp dự phòng là gì? (ví dụ, tìm hiểu các tình huống thường gặp khi leo núi và hướng xử lý)
Nguồn lực nào có thể hỗ trợ bạn hoặc bạn sẽ tìm kiếm? Ai, ở đâu, khi nào, ra sao? (ví dụ, thông tin về các đơn vị chuyên tổ chức leo núi, các chuyên gia hoặc những người bạn đã từng tham gia hoạt động này, chia sẻ dự định với người thân tìm sự đồng thuận và hỗ trợ)
Càng chi tiết càng rõ ràng về nỗi sợ chúng ta sẽ nhận ra rằng những điều chúng ta vẽ ra trong đầu đã vô tình tạo nên những niềm tin không có thật, đồng thời càng hiểu rõ nỗi sợ chúng ta sẽ luôn có những phương án và không còn ràng buộc để tiến về phía trước.
Đạo Phật luôn tin rằng không gì là bất biến nên cuộc sống này là vô thường. Chỉ riêng việc bạn đứng yên cũng đồng nghĩa bạn đang thụt lùi. Vậy nên những gì của ngày hôm qua và những gì đang có của hôm nay không có nghĩa là một sự đảm bảo ngày mai sẽ luôn như vậy. Bạn đã sẵn sàng từ bỏ những điều không còn phù hợp, những rào cản níu giữ bản thân chưa?
Cảm ơn bạn đã dành thời gian đọc và bạn có thể chia sẻ lại bài cho bất kỳ ai mà bạn nghĩ rằng sẽ hữu ích cho họ hoặc sẽ là chủ đề quan tâm của họ.
Kỳ sau: Từ bỏ bản ngã để kết nối với chân nguyên
Nếu bạn cần một ai đó đồng hành cùng bạn khai vấn sự nghiệp, tham vấn tâm lý đời sống hàng ngày hay chỉ đơn giản trò chuyện và lắng nghe, bạn có thể đặt lịch hẹn với tôi tại link sau đây:
Thư Lê (Ivy)
Tham vấn Tâm lý học tích cực - Positive Psychology, APA Certified | ICF 70-hour ACSTH Certified Coach | Ho Chi Minh City, Vietnam
Theo dõi tin cập nhật: www.linkedin.com/in/ivyle
Đăng ký nhận bài viết qua email: ivythule.substack.com (miễn phí đăng ký kênh)
VIA Character Institute (n.d.). Bravery. Retrieved from https://www.viacharacter.org/character-strengths/bravery